Idioms, hay còn gọi là "thành ngữ", là một khái niệm mà người học tiếng Anh nào cũng phải biết, vì nếu không rất dễ rơi vào trường hợp "Ông nói gà, bà nói vịt", và kết quả là không ai hiểu ai. Ví dụ:
- A: "I have a big show tomorrow."
- B: "Break a leg!"
Nếu bạn không nhanh chóng biết được cụm "Break a leg!" là một thành ngữ, nghĩa là phải hiểu theo nghĩa bóng thì thôi rồi, cuộc đối thoại giữa A và B fail là cái chắc.
Tiếng Anh thật là phức tạp. Nhiều khi nghĩa đen và nghĩa bóng của một thành ngữ khác nhau một trời một vực và việc đoán nghĩa hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, nếu ta hiểu được nguồn gốc, "xuất thân" của cụm thành ngữ đó thì việc hiểu và nhớ nó sẽ dễ dàng hơn nhiều!
Trong bài biết ngắn này, Tiếng Anh Mỗi Ngày xin được giới thiệu với các bạn 4 thành ngữ phổ biến cùng nguồn gốc thú vị của chúng!
Thành ngữ 1: Break a leg = Chúc bạn may mắn!
Đây là một câu thành ngữ khá thông dụng trong tiếng Anh mà theo kiểu "biết chết liền" như đã đề cập ở trên.
-
Nghĩa đen: Cầu cho bị gãy chân!
-
Nghĩa bóng: Chúc bạn may mắn nhé! / Chúc bạn diễn tốt nhé!
Vì đâu mà có sự trái ngang như trên?
Câu "Break a leg" xuất phát từ giới diễn viên. Mà diễn viên Anh hồi xa xưa lại rất là mê tín. Họ quan niệm là nếu trước khi ai đó lên sân khấu diễn mà chúc người đó may mắn thì sẽ "đánh thức" một loại yêu tinh nghịch ngợm, ma quái và nó sẽ phá hỏng cả buổi diễn. Do đó mà họ đã nghĩ ra cách là sẽ chúc người đó một điều gì đó thật xui xẻo, như "gãy chân" chẳng hạn, để mà điều tốt sẽ đến với người đó.
Giới diễn viên Anh rất mê tín và tin rằng chúc người khác điều gì thì điều ngược lại sẽ xảy đến với họ. Do đó mà nếu chúc họ một điều rất xui là bị gãy chân khi diễn thì họ sẽ diễn rất tốt.
Thành ngữ 2: Turn a blind eye = "Bơ" ai đó / cái gì đó
Các bạn có biết câu thành ngữ trên là có nguồn gốc từ một sự kiện có thật trong lịch sử không?
Nghe kể rằng trong một trận đấu với quân đội của kẻ thù, Đô Đốc Nelson bất đồng ý kiến với cấp trên của mình về chiến lược cho cuộc chiến. Quá bực tức, cấp trên của Nelson đã ra dùng cờ ra hiệu lệnh bắt ông phải rút lui hạm đội của mình.
Trong tình thế đó, Nelson đã cố ý đưa ống dòm lên nhìn...bằng con mắt bị mù của mình, nói rằng ông không thấy hiệu lệnh gì cả, và dĩ nhiên là không rút lui. May mắn thay là sau khi ông tự ý tấn công đối thủ thì ông đã giành chiến thắng cho quân đội Anh.
Khi Nelson bất đồng ý kiến với cấp trên và bị bắt rút lui, ông cố tình đưa ống dòm lên để nhìn cờ lệnh bằng...con mắt bị mù của mình, rồi nói rằng ông không thấy hiệu lệnh gì cả.
Kể từ đó trở đi, câu thành ngữ này mang ý là "giả vờ không để ý hay thấy một điều gì đó". Ví dụ:
- Ví dụ: She knows whose fault it is but she has decided to turn a blind eye to it.
- Dịch: Cô ta biết lỗi đó là của ai nhưng cô ta đã quyết cố tình lơ nó đi (hoặc nói dân dã hơn là "bơ" vấn đề đó)
Thành ngữ 3: It's all Greek to me = Không hiểu gì hết!!
Vào thời đế quốc La Mã còn tồn tại, nhiều kiến thức của La Mã là được dịch từ tài liệu của Hy Lạp nên nếu muốn hiểu được những văn bản cổ thì người đó phải biết tiếng Hy Lạp.
Do đó mà khi một người than lên rằng "Đó là tiếng Hy Lạp!" thì ý là họ đang muốn nói là nó phức tạp quá và họ không hiểu gì cả. Dần dần, để diễn đạt ý một việc gì đó hay một văn bản gì đó quá khó, quá phức tạp thì người ta sẽ dùng câu thành ngữ "It's all Greek to me" - "Với tôi, nó là tiếng Hy Lạp".
Thời xưa, để đọc những văn bản cổ thì người đó phải biết tiếng Hy Lạp. Thường chỉ có giới quý tộc và giới trí thức là biết tiếng này. Do đó mà khi muốn diễn đạt ý "Khó quá", "phức tạp quá", "hiểu chết liền", người ta sẽ dùng câu "It's all Greek to me."
Điểm thú vị của thành ngữ này là ở chỗ gần như trong mọi ngôn ngữ đều có một "phiên bản" khác nhau của nó. Nếu người Anh dùng chữ "Greek" - "Hy Lạp", thì tiếng Việt lại dùng là "tiếng Miên" chẳng hạn
Ở Anh: It's all Greek to me (Với tôi, nó là tiếng Hy Lạp)
Ở Hy Lạp: Αυτά μου φαίνονται κινέζικα. (Cái đó với tôi là tiếng Trung Quốc.)
Ở Trung Quốc: 看起來像天書。/看起来像天书。 (Trông giống chữ tượng hình nhỉ.)
Ở Việt Nam: Nói tiếng Miên hả!?
Thành ngữ 4: Turn over a new leaf = Có một khởi đầu mới
Thành ngữ trên bắt nguồn từ lối "chơi chữ" trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh thì từ "leaf" vừa mang nghĩa là "lá cây", vừa mang nghĩa "trang sách". Và thông thường thì khi nói ai đó "lật qua trang sách mới" thì ta đang hàm ý là người đó đang lật qua một trang sách mới của cuộc đời, nghĩa là họ đang chuẩn bị có một khởi đầu mới trong đời.
"Leaf" vừa mang nghĩa "lá cây", vừa nghĩa là "trang sách". Khi ta nói "lật trang sách mới", nghĩa là đang muốn họ có một khởi đầu mới.
Ngoài ra, ta cũng có thể hiểu là lá cây màu xanh, mà trong tiếng Anh thì màu xanh lại là màu của "khởi đầu mới" ;)
Bạn nào quan tâm thì có thể xem thêm bài viết Ý nghĩa màu xanh lá trong tiếng Anh, nhé!
Tuần qua trên TiengAnhMoiNgay.com có gì Hot!?
Bài Blog về Mệnh đề quan hệ:
|
Phrasal Verb thông dụng về chủ đề Gọi điện thoại
|
Làm thế nào để chỉ đường cho khách du lịch?
|
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết này ^^
Nếu thích thì các bạn nhớ ấn LIKE hay SHARE để ủng hộ và giúp Tiếng Anh Mỗi Ngày có thêm động lực để viết bài ngày càng hay hơn nhé ^^
Bạn có thể bắt đầu ngay bằng cách tạo cho mình một Tài khoản học thử miễn phí:
Tạo tài khoản học thử miễn phí ⯈