Bài thi TOEIC Listening & Reading (Nghe & Đọc) bao gồm 200 câu hỏi trắc nghiệm tiếng Anh, được chia làm 7 phần (Phần 1 - 4: Listening; Phần 5 - 7: Reading). Nếu chưa nắm rõ cấu trúc đề thi Toeic, bạn hãy kích link ở đầu câu để hiểu rõ hơn bạn nhé.
Đề thi dài như thế nên hầu hết tất cả những người luyện thi TOEIC đều muốn làm đề thi thử, trước hết là để làm quen với cấu trúc đề thi, sau đó là kiểm tra xem trình độ của mình tới đâu rồi.
Tiếng Anh Mỗi Ngày (TAMN) mang đến cho bạn thư viện đề thi thử TOEIC online có chấm điểm và giải thích chi tiết với hơn 50 đề để bạn có thể tự mình học và ôn thi TOEIC ngay tại nhà.
Nhưng trước khi bắt đầu thi thử, có 3 lưu ý mà bạn cần biết trước khi làm.
Mục lục
- 3 lưu ý nhỏ trước khi làm bài thi thử
- Thi thử TOEIC online có chấm điểm & giải thích chi tiết
- Xem lại bài để xác định lỗi sai và cách khắc phục
- Những nguyên nhân làm sai thường gặp cho các phần Listening & các phần Reading
- Những nguyên nhân làm sai cụ thể cho Part 1, Part 2, Part 3 & 4, Part 5 & 6 và Part 7
3 lưu ý nhỏ trước khi làm bài thi thử
⓵ Làm đúng thời gian quy định như lúc thi thật
Bạn nên làm bài thi thử trong vòng 2 giờ đồng hồ y như đi thi thật vậy. Cụ thể:
- Dành ra một khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ để làm bài liên tục.
- Nhờ mọi người không làm phiền bạn trong 2 giờ này.
- Tắt chuông điện thoại, TV và các vật dụng có thể gây xao nhãng khác.
- Không được dừng giữa chừng. Dù bạn có cảm thấy nản đi nữa, hãy cố gắng lên!
Kinh nghiệm luyện thi TOEIC cho thấy, việc làm bài theo đúng thời gian thi thật sẽ giúp bạn rèn luyện "tinh thần thép" khi làm một bài thi TOEIC 2h đồng hồ như vậy, và biết được tốc độ làm bài của mình là chậm hay nhanh hay vừa phải nữa đấy.
⓶ Không đánh lụi khi làm đề thi thử
Mục đích chính của bạn khi làm đề thi thử thì là để xác định được khả năng (và điểm số) hiện tại của mình một cách chính xác nhất, và vì thế bạn không nên "đánh lụi" các câu mình không biết làm mà nên bỏ trống. Việc này rất có lợi vì bạn sẽ biết được điểm của mình đạt được nhờ thực lực thay vì may mắn.
(Ngược lại, khi đi thi thật, những câu bạn không làm được, bạn cũng nên đoán. Vì nếu bạn đoán sai thì không bị trừ điểm, nhưng nếu đúng thì được điểm.)
⓷ Làm xong bạn phải biết lý do làm sai
Dĩ nhiên là muốn kiểm tra trình độ thì phải dò đáp án để biết điểm rồi, nhưng có một việc còn quan trọng hơn cả, đó là hiểu được mình làm sai ở chỗ nào và vì sao. Một khi bạn biết được lý do sai, bạn sẽ hiểu được mình đang thiếu hụt kiến thức ở chỗ nào để bổ sung vào ngay.
Và để làm được điều này thì bạn cần có giải thích chi tiết, đặc biệt cho các câu bạn làm sai. Và ở TAMN, bạn có được những giải thích tốt và tận tâm nhất.
Cách để nhận biết lý do làm sai mình sẽ hướng dẫn ở phần dưới đây, còn bây giờ nếu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng rồi thì... bắt đầu làm bài thôi!
Thi thử TOEIC online có chấm điểm & giải thích chi tiết
Thi thử TOEIC
Thời gian làm bài: 120 phút
(Bạn chỉ cần đăng nhập hoặc tạo 1 tài khoản miễn phí là có thể thi thử ngay với 1 đề miễn phí!)
Thi thử Toeic online với 50+ đề thi thử TOEIC
Trong trường hợp bạn không thể dành ra 2 giờ để làm một bài thi thử đầy đủ (200 câu hỏi trong 2h), thì TAMN cung cấp cho bạn rất nhiều đề thi thử rút gọn với thời gian làm bài từ 20 - 40 phút, thay đổi tùy theo đề.
Làm đề thi thử TOEIC rút gọn
Thời gian làm bài: 20 - 40 phút
Làm các đề thi thử TOEIC rút gọn
Lưu ý: Vì đây là các đề rút gọn nên bạn sẽ cần làm nhiều đề để có thể rút ra được kết luận là trình độ hiện nay của mình đang ở đâu. Nhưng có một điều rất thuận tiện là với các đề thi rút gọn, TAMN cho ra 3 đề mới mỗi tuần, nên bạn sẽ có thể làm và luyện tập thường xuyên. Việc này đặc biệt thuận tiện cho các bạn bận rộn.
Xem lại bài để xác định lỗi sai và cách khắc phục
Thi thử TOEIC online thật tiện lợi phải không nào các bạn!
Sau khi chấm điểm bài thi thử xong, bạn nhất thiết phải biết mình đã làm sai ở chỗ nào để rút kinh nghiệm cho bài thi thật. Sau đây là những vấn đề gây ra các lỗi sai phổ biến nhất trong bài thi TOEIC và cách khắc phục.
Những nguyên nhân làm sai phổ biến cho tất cả các phần Listening
Không nghe ra từ vựng
Khi bạn không được một từ, cụm từ nào đó thì có 2 nguyên nhân chủ yếu: một là bạn hoàn toàn chưa biết từ đó, hoặc là bạn biết nhưng do phát âm từ đó của bạn sai nên khi người đọc phát âm đúng thì bạn nhận không ra.
Để khắc phục vấn đề này, Tiếng Anh Mỗi Ngày xin gợi ý những cách sau:
- Làm câu nào sai thì nghe đi nghe lại câu đó nhiều lần, đặc biệt là nghe lại từ bạn nghe không được.
- Khi học từ mới, bạn nên học luôn phát âm của nó. Một số tính năng hữu ích bạn có thể dùng để học từ mới đúng cách và hiệu quả là 600 từ vựng TOEIC, 1400+ Từ vựng PRO.
- Luyện tập để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh với các công cụ Game luyện nghe, Luyện nghe qua audio, Luyện nghe PRO.
- Học cách phát âm tiếng Anh chuẩn của tất cả các âm trong tiếng Anh.
- Học các quy tắc nối âm trong tiếng Anh vì người bản xứ sẽ có xu hướng nối âm từ đứng trước và từ đi liền sau nó trong câu.
Nhầm lẫn vì từ đồng âm và từ gần âm
Trong suốt 4 parts của Listening, đề thi TOEIC sẽ thường xuyên "đặt bẫy" các từ vựng đồng âm khác nghĩa hoặc những từ nghe na ná nhau để bạn dễ nhầm lẫn.
Một số từ đồng âm khác nghĩa phổ biến trong đề thi TOEIC là:
- bank (ngân hàng) / bank (bờ sông)
- book (quyển sách) / book (đặt chỗ)
- way (con đường) / weigh (cân)
- wait (chờ đợi) / weight (trọng lượng)
- break (làm vỡ) / brake (phanh lại)
- weak (yếu) / week (tuần lễ)
- meet (gặp gỡ) / meat (thịt)
- whole (toàn bộ) / hole (cái lỗ)
- board (cái bảng) / bored (buồn chán)
- principle (nguyên lý) / principal (chủ yếu)
Một số từ gần âm với nhau có thể gây nhầm lẫn là:
- higher (cao hơn) / hired (được thuê)
- probably (có lẽ) / properly (một cách thích đáng)
- adapt (thích nghi) / adopt (tiếp nhận và sử dụng)
- from (từ) / form (hình thành)
- lose (làm mất, thua) / loose (lỏng lẻo)
- price (giá tiền) / prize (giải thưởng)
- reply (trả lời) / rely (dựa vào)
- chef (đầu bếp) / chief (người đứng đầu)
Và để hỗ trợ bạn cải thiện kỹ năng nghe hiểu tốt hơn, Tiếng Anh Mỗi Ngày đề xuất bạn xem thêm Cẩm nang hướng dẫn dẫn đầy đủ và chi tiết để cải thiện phần nghe ở đây: Hướng dẫn cải thiện phần nghe TOEIC.
Những nguyên nhân làm sai phổ biến cho các phần Reading
Có hàng trăm nguyên nhân làm sai một câu hỏi trong phần Reading, nhưng suy cho cùng nó chỉ bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chủ yếu mà thôi:
Làm sai vì thiếu hụt vốn từ vựng
Sự thiếu hụt từ vựng sẽ cản trở bạn rất nhiều trong việc làm bài Reading (và tất nhiên là cả Listening nữa). Vì vậy, việc bổ sung vốn từ vựng sẽ là một quyết định đúng đắn để bạn làm bài thi tốt hơn.
Khi dò bài lại và phát hiện ra từ nào chưa biết, hãy ghi chú lại vào mục "Ghi chú của tôi" bằng cách sử dụng công cụ tạo ghi chú có ở hầu hết các trang ở Web TAMN. Bạn hãy xem hướng dẫn tạo ghi chú ở đây.
Câu hỏi tiếp theo là: bạn cần ghi chú lại những gì? Đối với mỗi từ vựng, bạn cần biết ít nhất 5 thông tin sau đây:
- Cách viết & Phát âm
- Từ loại & Nghĩa của từ
- Cách dùng từ trong câu
Để tìm hiểu thêm về cách học từ vựng đúng cách và hiệu quả, bạn hãy tham khảo thêm 2 bài viết sau:
Làm sai vì lỗ hổng trong ngữ pháp
Đây là một vấn đề nghe thì có vẻ rất nghiêm trọng nhưng bạn không cần phải quá lo lắng, vì chỉ cần học được tài liệu tốt là bạn sẽ nhanh chóng lấy lại căn bản và lấp đầy lỗ hổng kiến thức ngay.
Sau khi làm đề thi thử ở trên xong, bạn sẽ được xem kết quả và giải thích đúng sai rất chi tiết cho từng câu hỏi, nhờ vậy bạn sẽ biết mình đang chưa nắm vững điểm ngữ pháp nào ngay lập tức.
Sau đó, bạn có thể tập trung học các chủ đề ngữ pháp thi TOEIC và bắt đầu ôn lại ngữ pháp thôi, quá đơn giản luôn!
Khi học ngữ pháp ở Tiếng Anh Mỗi Ngày, bạn sẽ được học với chương trình Ngữ pháp PRO, chương trình học và lấy lại nền tảng ngữ pháp tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao có thể nói là hàng đầu hiện nay. Kích ở đây để tìm hiểu thêm và học thử bạn nhé.
Cuối cùng, bất kì lúc nào bạn gặp khó khăn với một phần đọc trong TOEIC, bạn hay truy cập Cẩm nang Hướng dẫn cải thiện phần đọc TOEIC. Đây là danh sách các đề xuất và công cụ hỗ trợ đầy đủ nhất và sẽ được TAMN cập nhật theo thời gian để giúp các bạn học tốt hơn.
Những lí do cụ thể cho Part 1
Part 1: Bạn đã chọn một đáp án không thể thấy rõ trong hình
Nhìn hình này, ta chỉ có thể thấy người đàn ông đang ngồi trên ghế, ngồi ở bàn làm việc và đang nhìn vào một cái màn hình máy tính thôi, vì vậy chúng ta không nên chọn những đáp án miêu tả vượt quá những gì mà ta có thể nhìn thấy trong hình.
Ví dụ của những đáp án miêu tả quá mức:
-
The man has just sat down in the chair. = Người đàn ông vừa mới ngồi xuống ghế.
→ thực tế chúng ta chỉ có thể thấy người đàn ông đang ngồi chứ không biết là đã ngồi từ khi nào. -
The man is installing software on his computer. = Người đàn ông đang cài đặt phần mềm trên máy tính.
→ thực tế chúng ta chỉ có thể thấy màn hình máy tính đang bật chứ không biết người đang ông đang làm gì với máy tính. -
The man is deleting e-mail. = Người đàn ông đang xóa email.
→ tương tự như trên, chúng ta không biết người đang ông đang làm gì với máy tính.
Khi nghe những đáp án này, chúng ta sẽ thấy chúng có vẻ có lý nhưng sự thật là hình ảnh không cho thấy rõ những điều này, vì vậy nếu chọn là sai ngay lập tức. Cẩn thận bạn nhé!
Part 1: Bạn chọn đáp án có giới từ chỉ nơi chốn sai
Đối với các đáp án nói về vị trí của các vật trong hình, bạn cần nghe thật kỹ giới từ chỉ nơi chốn để không bị nhầm lần nhé.
Các giới từ chỉ nơi chốn phổ biến nhất bạn cần biết:
- above = ở bên trên
- below = ở bên dưới
- on = trên bề mặt
- under = dưới
- behind = sau
- in front of = trước
- at = tại
- in = bên trong
- between = giữa
- next to = ngay cạnh
- by = bên cạnh
- near = gần
Những lí do làm sai riêng cho Part 2
Part 2: Không nghe được từ xác định nội dung hỏi
Từ hỏi là yếu tố quyết định để bạn chọn câu trả lời, vì vậy bạn nhất định phải thật tập trung để nghe được từ hỏi cho đúng.
- where = ở đâu
- when = khi nào
- what = cái gì
- who = ai
- why = tại sao
- how = như thế nào, bằng cách nào
Lưu ý là where và when nghe khá giống nhau, là nguyên nhân gây nhầm lần khá phổ biến cho Part 2 TOEIC. Ngoài ra, who and how nghe cũng tương đối giống nhau.
Part 2: Chọn đáp án sai vì đáp án đúng là câu trả lời gián tiếp
Bạn nên ghi nhớ một sự thật hơi "đau lòng": câu trả lời không nhất thiết lúc nào cũng phải là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi, thậm chí phần lớn còn là câu trả lời gián tiếp.
Ví dụ bạn nghe được câu hỏi sau:
Have you seen my green jacket?
Bạn sẽ mong chờ câu trả lời có Yes hoặc No đúng không nào. Sau đó bạn nghe 3 đáp án.
A. I have some.
B. No, they aren't.
C. Check the closet.
Sau đó bạn nghe đến câu No, they aren't thì mừng quá chọn luôn thì sai mất rồi. Đáp án đúng là Check the closet, một câu trả lời gián tiếp.
Ngoài dạng câu hỏi Yes, No ở trên, Part 2 TOEIC thỉnh thoảng còn một số dạng câu hỏi khác mà bạn cần chú ý, vì ở đó câu trả lời đúng không trả lời trực tiếp câu hỏi mà trả lời một cách gián tiếp.
Bạn nên xem thêm chi tiết các dạng câu hỏi khó trong TOEIC Part 2 ở đây.
Những lí do cụ thể cho Part 3 và Part 4
Part 3 & 4: Người nói đưa ra một phát biểu ngược lại với một chi tiết trước đó
Kinh nghiệm ở đây là bạn nên nghe hết cả câu rồi hãy đáp án, "đừng vội mừng" khi nghe được từ khóa mà chọn ngay nhé, vì người nói có thể phủ định lại ngay.
Ví dụ:
The plane was supposed to take off at 8 AM, but it was delayed for three hours due to a storm.
Câu hỏi:
What time did the plane take off?
A. 8 AM
B. 9 AM
C. 10 AM
D. 11 AM
Người nói ban đầu thông tin cho chúng ta biết rằng máy bay sẽ cất cánh lúc 8h sáng, tuy nhiên lại bị hoãn 3 giờ đồng hồ, nên máy bay cất cánh lúc 11 giờ mới đúng.
Những lí do cụ thể cho Part 5 và Part 6
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến ta làm sai ở Part 5 và Part 6 là do dịch quá sát nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Cấu trúc của tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau khá nhiều nên việc dịch sát nghĩa từng từ một sẽ có thể không đúng. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến:
Part 5 & 6: Nghĩa của giới từ không tương đồng
Mỗi giới từ trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều có nhiều nghĩa, vì vậy nên không phải cứ một giới từ trong tiếng Việt là tương ứng với một giới từ trong tiếng Anh.
Ví dụ, chúng ta thường hay dịch “với” trong tiếng Việt là “with” trong tiếng Anh, nhưng thực tế là “with” còn có nhiều nghĩa và cách dùng khác:
- I made the cake with Ashley. = Tôi làm bánh cùng với Ashley.
- I made the cake with dark chocolate. = Tôi làm bánh bằng sôcôla đen.
Cũng có trường hợp ngược lại, cùng một giới từ “bằng” trong tiếng Việt nhưng nó lại tương ứng với hai giới từ khác nhau trong tiếng Anh:
- She cut the meat with a knife. = Cô ấy cắt thịt bằng một con dao.
(“bằng” ở đây có nghĩa là “dùng công cụ gì”) - She traveled across Europe by train. = Cô ấy đi du lịch Châu Âu bằng xe lửa.
(“bằng” ở đây có nghĩa là “đi bằng phương tiện gì”)
Sự không tương đồng về nghĩa của giới từ tiếng Anh và tiếng Việt có thể gây ra nhầm lẫn khi làm bài. Ví dụ:
Join the two pieces together _____ glue.
A. with
B. in
C. by
D. across
Nghĩa của câu là “Hãy gắn hai miếng lại với nhau bằng keo dán”. Giới từ "bằng" có thể dịch ra là "with" hoặc "by", nhưng ngữ cảnh của đề bài là ta dùng công cụ keo dán để gắn lại, vì vậy ta cần chọn đáp án A chứ không chọn C.
Part 5 & 6: Sau động từ có dùng hay không dùng giới từ?
Đây lại là một điểm khác biệt nữa giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Đôi lúc động từ tiếng Anh dùng giới từ nhưng tiếng Việt lại không dùng:
- comply with the regulations
- tuân thủ ∅ các quy định
Đôi lúc động từ tiếng Việt dùng giới từ nhưng tiếng Anh lại không dùng:
- discuss ∅ the problem
- thảo luận về vấn đề
Vì vậy, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt này để làm bài cho đúng. Ví dụ:
Please don’t _____ about these sensitive topics in front of the children.
A. discuss
B. talk
C. stop
D. start
Nghĩa của câu là “Xin đừng thảo luận về những chủ đề nhạy cảm này trước mặt mấy đứa nhỏ”. Về nghĩa thì đáp án A và B đều có vẻ hợp lý, nhưng vì “discuss” không dùng chung với giới từ “about” nên ta không chọn nó mà chọn đáp án B.
Part 5 & 6: Các giới từ và liên từ đồng nghĩa
Trong tiếng Anh có những cặp giới từ và liên từ khi dịch nghĩa tiếng Việt thì cùng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau:
Giới từ | Liên từ |
---|---|
because of “vì, do” |
because “vì, do” |
despite “tuy, mặc cho” |
though, although “tuy, mặc dù” |
during “trong suốt” |
while “trong khi, trong lúc” |
Tuy có thể đồng nghĩa với nhau, nhưng bản chất là giới từ và liên từ trong tiếng Anh có cấu trúc ngữ pháp khác nhau:
- Sau giới từ là một cụm danh từ hoặc cụm động từ V-ing
- Sau liên từ là một mệnh đề
Vì vậy, ta cần phải cẩn thận để tránh nhầm lẫn giữa hai loại từ này. Ví dụ:
The Olympic gold medalist had to retire young _____ the serious injuries.
A. despite
B. although
C. because
D. because of
Nghĩa của câu là “Vận động viên đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội này đã phải giải nghệ lúc còn trẻ tuổi vì những chấn thương nghiêm trọng”. Về nghĩa thì đáp án C và D đều có vẻ hợp lý, tuy nhiên “the serious injuries” đứng sau chỗ trống là một cụm danh từ chứ không phải là một mệnh đề, nên ta phải dùng “because of” chứ không dùng “because” được.
Part 5 & 6: Nhầm lẫn giữa tính từ V-ing và V3/V-ed
Tính từ V-ing và V3/V-ed, ví dụ như “surprising” và “surprised”, khi dịch sang tiếng Việt thì nghĩa gần giống nhau, vậy nên chúng là một trong những yếu tố gây nhầm lẫn hàng đầu trong Part 5 và Part 6.
- It was surprising that the CEO did not resign after the scandal.
Thật là ngạc nhiên khi mà vị CEO không từ chức sau vụ bê bối. - I was surprised to learn that the CEO did not resign after the scandal.
Tôi ngạc nhiên khi biết được rằng vị CEO không từ chức sau vụ bê bối.
Như ta có thể thấy, cả hai từ “surprising” và “surprised” đều được dịch ra là “ngạc nhiên” trong tiếng Việt. Tuy nhiên, trong tiếng Anh thì hai từ này là khác nhau và không thể thay thế được cho nhau.
Để biết được khi nào thì dùng V-ing và khi nào thì dùng V3/V-ed, ta cần biết nghĩa của động từ nguyên gốc của nó.
Ví dụ, cả hai từ “surprising” và “surprised” đều xuất phát từ động từ nguyên gốc “surprise”, có nghĩa là “gây ngạc nhiên”. V-ing mang nghĩa chủ động, còn V3/V-ed mang nghĩa bị động, vì vậy “surprising” có nghĩa là “đáng ngạc nhiên”, còn “surprised” có nghĩa là “bị gây ngạc nhiên” hay nói cách khác là “ngạc nhiên”.
Một số ví dụ khác:
Động từ gốc | Tính từ V-ing | Tính từ V3/V-ed |
---|---|---|
concern “làm cho lo ngại” |
concerning “làm cho lo ngại” → “đáng lo ngại” |
concerned “bị làm cho lo ngại” → “lo ngại” |
disappoint “gây thất vọng” |
disappointing “gây thất vọng” → “đáng thất vọng” |
disappointed “bị gây thất vọng” → “thất vọng” |
interest “gây hứng thú” |
interesting “gây hứng thú” → “thú vị” |
interested “được gây hứng thú” → “hứng thú” |
upset “làm cho buồn phiền” |
upsetting “làm cho buồn phiền” → “đáng buồn” |
upset “bị làm cho buồn phiền” → “buồn phiền, khó chịu” |
worry “làm cho lo lắng” |
worrying “làm cho lo lắng” → “đáng lo” |
worried “bị làm cho lo lắng” → “lo lắng” |
Những tính từ V3/V-ed như trên thường là những tính từ chỉ cảm xúc, mà thường thì con người mới có cảm xúc, cho nên tính từ V3/V-ed thường dùng để miêu tả con người.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tính từ V-ing không thể dùng cho con người:
- She is very interested in history. = Cô ấy rất hứng thú với lịch sử.
- She is a very interesting person. = Cô ấy là một người rất thú vị.
Khi làm bài, thay vì chọn liền đáp án V3/V-ed cho con người, chúng ta cần xét nghĩa của cả câu để chọn đáp án phù hợp nhất.
Part 5 & 6: Nghĩa của “bị” và “được”
Thông thường chúng ta hay dịch câu bị động là “bị” hoặc “được”:
- The tree was chopped down. = Cái cây đã bị đốn.
- Excellent students will be admitted to the university. = Các học sinh xuất sắc sẽ được nhận vào trường.
Trong cả hai trường hợp trên, chủ ngữ “cái cây” và “các học sinh xuất sắc” không thực hiện hành động, mà bị/được một chủ thể khác thực hiện hành động.
Tuy nhiên, ngoài cách dùng bị động ở trên, “bị” và “được” trong tiếng Việt cũng được dùng với cả nghĩa chủ động:
- Cái cây bị đổ. = The tree fell.
- Các học sinh xuất sắc sẽ được nhận học bổng. = Excellent students will get the scholarships.
Trong cả hai ví dụ trên, động từ đều mang nghĩa chủ động: “cái cây” thực hiện hành động “đổ”, và “các học sinh xuất sắc” thực hiện hành động “nhận học bổng”.
Từ “bị” ở đây hàm ý sự tiêu cực: hành động “đổ” là hành động không mong muốn. Tương tự như vậy, từ “được” mang sắc thái tích cực: hành động “nhận học bổng” là hành động có lợi. Vì đây là nghĩa chủ động, nên trong tiếng Anh ta dùng động từ ở thể chủ động: “fell” và “will get”.
“Bị” và “được” có thể dùng cả trong câu bị động lẫn câu chủ động, nên ta cần cẩn thận khi dịch nghĩa trong đầu. Ví dụ:
It is a great honor _____ my country at the Olympics.
A. to represent
B. representing
C. to be represented
D. being represented
Trước hết chúng ta có cấu trúc là "it is an honor + to do something" có nghĩa là "việc gì đó là niềm vinh dự", vì vậy ta loại đáp án B và D. Giữa hai đáp án A và C, “to represent” mang nghĩa chủ động còn “to be represented” mang nghĩa bị động. Ta hiểu nghĩa của câu này là "Được đại diện cho nước nhà tại Thế Vận Hội là niềm vinh dự to lớn".
"Được đại diện" ở đây mang nghĩa chủ động: người này thực hiện hành động "đại diện" và hành động này mang sắc thái tích cực. "Được đại diện" ở đây không mang nghĩa bị động. Vì vậy ta không chọn đáp án C mà chọn đáp án A.
Thông tin hữu ích: Nếu bạn cảm thấy mình đang bị "mất nền tảng" ngữ pháp tiếng Anh thì bạn hãy tham khảo chương trình Ngữ pháp Pro với hơn 50 chủ đề ngữ pháp thông dụng nhất. Và chương trình này cũng là một phần của các Tài khoản luyện thi Toeic ở TAMN.
Những lí do cụ thể cho Part 7
Part 7: Bạn chọn đáp án sai vì đã dựa vào một kiến thức phổ thông thay vì đọc đoạn văn
Đây một sai lầm cả một số người luyện thi TOEIC trình độ cao vẫn thỉnh thoảng mắc phải.
Bạn nên nhớ là câu trả lời phải khớp với nội dung của bài đọc chứ không phải của thực tế đời sống. Trong đề thi có rất nhiều trường hợp ý kiến của người nói chuyện khác hẳn với một kiến thức phổ thông mà bạn biết. Bạn đừng để nó đánh lừa nhé!
Ngoài những lưu ý trên, để nâng cao kỹ năng làm bài của riêng từng phần trong đề thi, bạn có thể tham khảo chi tiết hướng dẫn Mẹo làm bài thi TOEIC cho tất cả các Part của TOEIC nữa nhé!
Bước tiếp theo
Để bắt đầu với việc thi thử TOEIC, bạn có thể bắt đầu với một trong các loại đề thi thử sau đây:
- Làm đề thi thử TOEIC full online (120 phút)
- Làm các đề thi thử TOEIC rút gọn (20 - 40 phút) và nhận cơ hội tham gia vòng quay may mắn hàng tuần.