Học tiếng Anh qua sách vở truyền thống thì có nhiều ưu điểm, nhưng lại có một nhược điểm lớn chính là đề tài ít đa dạng và đôi khi khá nhàm chán.
Nếu bạn đang gặp vấn đề này thì nhất định hãy vào ngay PBS LearningMedia để vừa cải thiện tiếng Anh vừa học thêm các kiến thức bổ ích thông qua hàng loạt các chủ đề thú vị nhé!
1. PBS LearningMedia giúp ta học tiếng Anh như thế nào?
PBS LearningMedia là một trang web thuộc PBS, mạng lưới truyền thông công cộng rộng khắp bậc nhất ở Mỹ.
PBS LearningMedia chuyên về các tài liệu giáo dục được sử dụng để bổ trợ cho việc giảng dạy trong trường học. Chinh vì thế ở đây có rất nhiều các đề tài khác nhau để chúng ta có thể học, và nội dung học cũng được trình bày một cách rất dễ hiểu!
Trang web mang đến rất nhiều đề tài cho chúng ta lựa chọn, từ khoa học tự nhiên (Science) đến khoa học xã hội (Social Studies), từ toán học (Mathematics) đến văn học (Literature), và cả những chủ đề gắn liền với cuộc sống thường ngày của chúng ta, ví dụ như sức khoẻ (Health & Physical Education) và kỹ thuật công nghệ (Engineering & Technology).
Với các chủ đề vô cùng đa dạng như vậy, chắc chắn bạn sẽ chọn ra được cho mình một chủ đề yêu thích để học. Có yêu thích thì mới có hứng khởi, có hứng khởi thì việc học sẽ cực kỳ dễ dàng phải không nào!
Hệ thống chủ đề cực kỳ đa dạng và phong phú tại PBS LearningMedia
Ngoài ra, bạn cũng có thể lọc chủ đề theo từng khối lớp. Ở các khối lớp thấp (ví dụ như lớp 3 – lớp 5), trang web sẽ giới thiệu các chủ đề dễ hơn, còn ở các khối lớp cao (ví dụ như lớp 9 – lớp 12), bạn sẽ khám phá được các chủ đề nâng cao hơn! Việc phân loại theo khối lớp như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn những chủ đề phù hợp với trình độ hiện tại của mình.
Hiện tại có các phân loại như sau:
- PreK–K: Nhà trẻ – Mẫu giáo
- K–2: Mẫu giáo – Lớp 2
- 3–5: Lớp 3 – Lớp 5
- 6–8: Lớp 6 – Lớp 8 (trung học cơ sở)
- 9–12: Lớp 9 – Lớp 12 (trung học phổ thông)
Không những học được nhiều chủ đề, bạn sẽ còn học được thông qua nhiều hình thức học thú vị khác nhau, ví dụ như video, audio, hình ảnh, bài học tương tác, vân vân...
Cá nhân mình cảm thấy video là hình thức học sinh động nhất, vì vậy mình sẽ giới thiệu cho bạn cụ thể hơn về cách học tiếng Anh thông qua video qua một bài học về thiên văn học: Night Sky Objects (Các thiên thể trên bầu trời đêm).
Học tiếng Anh thông qua video của PBS LearningMedia
Video có nhiều tuỳ chỉnh để hỗ trợ bạn trong việc học tiếng Anh:
- Video có cung cấp phụ đề, giúp bạn hiểu những chỗ chưa nghe được, từ đó cải thiện kỹ năng nghe tốt hơn. Bạn có thể nhấn nút "CC" để bật/tắt phụ đề.
- Nếu video quá nhanh, bạn có thể giảm tốc độ của video lại bằng cách nhấn nút "1x" rồi chọn tốc độ chậm hơn.
Ngoài nội dung học trong video ra, trang web cũng cung cấp thêm các tài liệu bổ trợ khác (Support Materials for Use with Students) nằm ở bên phải hoặc bên dưới video, ví dụ như:
- Dicussion questions (Câu hỏi thảo luận): đưa ra một số câu hỏi mà chúng ta cần trả lời được dựa vào những kiến thức đã học được sau khi xem video. Ví dụ như trong video về Các thiên thể trên bầu trời đêm này, sau khi xem xong ta sẽ trả lời được câu hỏi "Vì sao thỉnh thoảng các chòm sao có hình dáng không giống như tên của chúng?"
- Activity (Hoạt động): liệt kê một số hoạt động mà ta có thể thực hiện sau khi xem video, để áp dụng kiến thức vừa học vào thực tế, ví dụ như quan sát quỹ đạo di chuyển của Mặt Trăng, Sao Kim.
- Vocabulary (Từ vựng): tổng hợp các từ vựng và khái niệm quan trọng trong video, ví dụ như galaxy (thiên hà), comet (sao chổi), meteor showers (mưa sao băng)
- Background reading (Đọc thêm): cung cấp một số tài liệu khác để ta có thể tìm hiểu thêm về chủ đề đang xem.
Sau đó, bạn có thể dễ dàng khám phá các video khác ở mục You May Also Like hoặc các chủ đề liên quan ở mục Explore related topics. Kho video trên trang web khổng lồ, không sợ hết video để xem, chỉ sợ không có đủ thời gian xem thôi!
2. Học gì trên PBS LearningMedia?
Khi mới vào trang web, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi choáng ngợp trước một kho tài liệu khổng lồ. Vì vậy, mình xin giới thiệu một số chủ đề thú vị để bạn có thể bắt đầu!
Đề tài Science (Khoa học tự nhiên) dành cho cho các bạn có đam mê khám phá và lý giải các hiện tượng vật lý, sinh học, vũ trụ xung quanh ta. Bạn không nên bỏ qua các video thú vị sau đây:
- How Solar Systems Form (Vũ trụ hình thành như thế nào): video này của NASA giải thích làm thế nào mà việc nghiên cứu Bennu, một tiểu hành tinh còn sót lại từ hệ mặt trời sơ khai, lại có thể giúp các nhà khoa học hiểu được sự hình thành và tiến hóa của hệ mặt trời.
- The History of Life on Earth (Lịch sử của sự sống trên Trái Đất): video này sẽ đưa ta đi qua hành trình của sự sống đã hình thành, phát triển, và đa dạng hoá như thế nào trong suốt 4,5 tỷ năm tuổi đời của Trái Đất.
Đề tài Social Studies (Khoa học xã hội) sẽ giúp ta tìm hiểu về lịch sử, địa lý, kinh tế và văn hoá của con người trên toàn thế giới. Dưới đây là một số video tiêu biểu trong loạt chủ đề này:
- Preserving a Mummy (Bảo tồn xác ướp): video giới thiệu những kiến thức cơ bản phục hồi khảo cổ học từ nhóm phòng thí nghiệm của Trung tâm Bảo tồn Đại Ai Cập (GEM) từ việc họ kiểm tra và mở quan tài bằng gỗ có xác ướp bên trong.
- Earthquake in Turkey and Syria (Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria): cùng tìm hiểu về trận động đất 7,8 độ richter đã tàn phá miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria và khiến cho hàng ngàn người thương vong và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.
Đề tài Engineering & Technology (Kỹ thuật & Công nghệ) sẽ đưa chúng ta tiếp cận đến với những thành tựu công nghệ của thời đại mới. Bạn có thể bắt đầu khám phá đề tài này với những video sau:
- How Much Do Social Media Algorithms Control You? (Thuật toán mạng xã hội điều khiển chúng ta nhiều đến mức nào?): các nền tảng mạng xã hội có những thuật toán tinh vi để chọn lọc ra những nội dung dành riêng cho mỗi người dùng, với mục đích giữ chân người dùng càng lâu càng tốt. Điều này là tốt hay xấu? Hãy cùng tìm hiểu trong video này.
- Game to Learn (Trò chơi điện tử để học): Nếu trẻ em thích dành hàng giờ cho trò chơi điện tử, sao ta không tạo ra những trò chơi điện tử mang tính giáo dục? Trong video này hãy cùng nhau ìm hiểu cách các nhà thiết kế trò chơi điện tử xây dựng trò chơi kết hợp với yếu tố học tập và tư duy ở cấp độ cao.
Sau khi xem xong các video này, bạn có thể tiếp tục với các video khác ở mục You May Also Like hoặc các chủ đề liên quan ở mục Explore related topics bạn nhé!
3. Học tiếng Anh trên PBS LearningMedia như thế nào cho hiệu quả?
"Mâm cỗ" tài liệu học đã được trang web bày sẵn ra rồi, nhưng chúng ta cần học như thế nào để tận dụng tối đa nguồn tài liệu này? Mình xin được bày một số cách học như sau:
Thứ nhất, ta có thể cải thiện kỹ năng nghe thông qua việc xem videos. Mỗi video đều có cung cấp phụ đề nên việc luyện nghe là vô cùng thuận tiện: khi nghe không được từ nào, ta có thể xem phụ đề để biết ngay từ đó là gì; nếu không biết nghĩa từ đó, ta có thể tra từ điển ngay. Hơn nữa, bạn có thể tuỳ chỉnh tốc độ video để nghe được rõ hơn. Kỹ năng nghe hiểu của bạn sẽ phát triển nhanh chóng!
Thứ hai, ta có thể học được nhiều từ vựng trong ngữ cảnh thật sự. Việc học từ vựng như vậy sẽ giúp bạn hiểu được cách dùng của nó ở trong câu như thế nào, từ đó giúp bạn ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn.
Cuối cùng, việc xem video để học tiếng Anh thì rất tốt, tuy nhiên vì video quá thú vị nên cũng rất dễ xảy ra tình trạng chúng ta chỉ "xem" mà quên mất "học". Để kiến thức không bị trôi đi mất, bạn nên ghi chú lại từ vựng và những gì đã học được. Ngoài ra, mình cũng khuyến khích bạn xem video nhiều lần để luyện nghe và làm quen với phát âm của người bản xứ. Như vậy thì công sức và thời gian xem video sẽ không bị uổng phí!
Hy vọng bạn sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích và cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình với PBS LearningMedia!
Bạn có thể bắt đầu ngay bằng cách tạo cho mình một Tài khoản học thử miễn phí:
Tạo tài khoản học thử miễn phí ⯈
Viết câu hỏi, thắc mắc của bạn về bài viết