1. Khan Academy là gì? 

Khan Academy (Học viện Khan) (Website: khanacademy.org) là một nền tảng giáo dục trực tuyến, được sáng lập từ năm 2006 bởi nhà sáng lập Sal Khan.

Với khởi điểm là các video dạy toán trên YouTube, hiện nay Khan Academy đã trở thành một nền tảng giáo dục trực tuyến lớn, cung cấp các video giảng dạy và bài tập thực hành cho rất nhiều môn học trong chương trình phổ thông, ví dụ như toán, khoa học, máy tính, lịch sử, nghệ thuật, kinh tế, vân vân…

Không những bao quát đa dạng các môn học mà Khan Academy còn miễn phí. Tất cả mọi người đều có thể học ở đây một cách không giới hạn, chỉ cần có kết nối internet. 

Tuyệt vời hơn nữa là nội dung bài học ở đây đều có chất lượng cao, bởi vì chúng được soạn ra bởi một đội ngũ cực kỳ dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng và độ chính xác của các kiến thức mình sẽ học được ở nơi đây!

 

2. Hướng dẫn cách học hiệu quả trên Khan Academy

Các môn học trên Khan Academy

Khan Academy mang đến một hệ thống bài học khổng lồ với nhiều môn học và lĩnh vực khác nhau:

  • Math: Pre-K - 8th Grade — Toán: Mầm non - Lớp 8
  • Math: Get Ready Courses — Toán: Chuẩn bị
  • Math: High School & College — Toán: Trung học & Đại học
  • Test Prep — Luyện thi
  • Science — Khoa học tự nhiên
  • Computing — Máy tính
  • Arts & Humanities — Nghệ thuật & Khoa học xã hội
  • Economics — Kinh tế
  • Reading & Language Arts — Văn học & Ngôn ngữ
  • Life Skills — Kỹ năng sống

Đối với bạn học sinh còn đang học ở trường hoặc những người lớn muốn ôn lại kiến thức cũ, bạn chỉ cần chọn đúng khối lớp của mình ở mỗi môn học. Ví dụ như bạn là học sinh khối lớp 7 muốn học toán lớp 7, bạn chỉ cần chọn mục “7th Grade” (thuộc về Heading “Math: Pre-K - 8th Grade”).

Các bạn đang cần luyện thi các bài thi đại học ở Mỹ như SAT thì có thể chọn ngay các chủ đề luyện thi ở nhóm “Test Prep”.

Đối với các bạn sinh viên đại học, bạn có thể chọn các khoá học có từ “AP” hoặc “College”.

Còn với những người lớn muốn bổ sung thêm các kiến thức hữu ích khác, bạn chỉ cần chọn chủ đề muốn học. Một trong những chủ đề khá thiết thực hiện nay chính là “Personal Finance” — Tài chính cá nhân.

Chọn khóa học bạn thích thú

Đầu tiên, bạn sẽ tạo cho mình một tài khoản học để có thể lưu lại kết quả học tập của mình. 

Sau đó, bạn có thể chọn ra những Khoá Học mà bạn có hứng thú nhất trong số đó. Bạn không cần phải lo lắng về việc nên chọn Khoá Học nào ở bước này, vì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn lại sau này.

Sau khi chọn xong, Góc Học Tập (Dashboard) sẽ hiển thị lộ trình học cụ thể dành cho bạn cho từng Khoá Học.

Mỗi Khoá Học được chia nhỏ ra làm nhiều Chương (Unit), và mỗi Chương lại được chia nhỏ ra làm nhiều Bài Học (Lesson). Các bài học này sẽ dẫn dắt bạn qua nhiều kiến thức bổ ích từ dễ đến khó.

Cấu trúc này cũng khá quen thuộc phải không nào? Nó cũng tương tự như các môn học mà ta học ở bậc Tiểu học hay Trung học. Để bắt đầu học, bạn chỉ cần nhấn nút Start!

Cấu trúc của mỗi bài học

Với mỗi bài học, chúng ta sẽ lần lượt đi qua các bước như sau:

  1. Học lý thuyết thông qua video và các bài viết.
  2. Xen giữa các nội dung lý thuyết là một số bài tập thực hành để chúng ta ứng dụng kiến thức ngay lập tức.
  3. Ở cuối bài học sẽ có phần tóm tắt những kiến thức quan trọng nhất mà chúng ta cần ghi nhớ ở mục “Things to remember”.
  4. Cuối cùng là một bài kiểm tra nhỏ để chúng ta biết xem mình đã thực sự hiểu bài chưa. 

Mình đánh giá rằng đây là một chu trình học khá là đơn giản nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Bạn chỉ cần làm đầy đủ các bước là sẽ cảm nhận được sự tiến bộ rõ rệt!
 

Bước 1
Học lý thuyết

Bước 2
Làm bài tập thực hành

Bước 3
Tóm tắt kiến thức

Bước 4
Làm bài kiểm tra

 

Ngoài việc học từ đầu đến đuôi như trên, chúng ta cũng có thể tập trung ôn luyện những kiến thức chưa vững bằng cách làm một bài “kiểm tra đầu vào” cho môn học mà bạn chọn.

Với tính năng “Course challenge” ở dưới cùng của mỗi Khoá Học, bạn sẽ được làm một bài kiểm tra ngắn khoảng 30 phút. Kết quả của bài kiểm tra này sẽ chỉ ra những kiến thức nào còn lỗ hổng và bạn cần phải học những bài học nào để bổ sung kiến thức đó. Như vậy là bạn sẽ có thể đi đúng trọng tâm và tiết kiệm thời gian học của mình!


Cuối cùng, Khan Academy cũng cung cấp một diễn đàn thảo luận và cộng đồng học tập, nơi người học có thể tương tác với nhau, hỏi đáp câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm học tập. Điều này tạo ra một môi trường học tập tích cực và động viên.

 

3. Cải thiện tiếng Anh của bạn thông qua Khan Academy

Ngoài chuyện học kiến thức của các môn học, chúng ta còn có thể tận dụng các bài học thú vị trên Khan Academy làm tài nguyên để chúng ta luyện tiếng Anh nữa!

Thứ nhất, ta có thể cải thiện kỹ năng nghe thông qua việc xem videos. Mỗi video đều có kèm theo phụ đề nên cực kỳ thuận tiện cho việc luyện nghe: khi nghe không được từ nào, ta có thể xem phụ đề để biết ngay từ đó là gì; nếu chưa biết nghĩa của từ đó, ta có thể tra từ điển ngay. Hơn nữa, vì tất cả những video này đều trên YouTube nên bạn có thể tận dụng chức năng chỉnh tốc độ video để nghe được rõ hơn!

Thứ hai, ta có thể học được nhiều từ vựng tiếng Anh trong ngữ cảnh thật sự. Việc học từ vựng như vậy sẽ giúp bạn hiểu được cách dùng của nó ở trong câu như thế nào, từ đó giúp bạn ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn.

Thứ ba, các chủ đề vô cùng đa dạng sẽ khiến cho việc học của bạn không nhàm chán. Ngoài những môn học ở trường, Khan Academy cũng cung cấp rất nhiều bài học thuộc nhiều chủ đề thú vị khác, ví dụ như lịch sử thế giới, vũ trụ, âm nhạc, tài chính, vân vân…

Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà ta phải nhớ là, chúng ta đang học tiếng Anh thông qua videos chứ không chỉ đơn thuần xem video để giải trí, nên cũng không thể bỏ quên việc học. Để kiến thức không bị trôi đi mất, chúng ta nên ghi chú lại từ vựng cũng như những kiến thức đã học được. Ngoài ra, ta cũng nên xem video lại nhiều lần để kiến thức “thẩm thấu” vào đầu nhiều hơn và lâu hơn.

 

4. Lời kết về khả năng tự học

Học online đã trở thành một xu thế tất yếu do như thuận tiện và chất lượng mà nó mang lại. 

Để học online thành công đòi hỏi chúng ta phát triển khả năng tự học của mình. Tuy nhiên đó là một quá trình song song: bạn học một kiến thức gì đó và qua đó khả năng tự học của chúng ta sẽ tăng lên. Và với khả năng tự học tăng lên đó, chúng la lại có thể sử dụng nó để học những kiến thức mới ngày càng hiệu quả hơn. Đó là một quá trình không bao giờ dừng lại. 

Hầu hết các tài nguyên kiến thức lớn được viết bằng tiếng Anh, vì thế bạn sẽ cần chú trọng phát triển tiếng Anh của mình, vì nhờ đó mà bạn truy cập được kiến thức mà bạn cần.

  • Nhưng cũng tương tự, đây là một quá trình song song: bạn cứ bắt đầu học cho dù trình độ tiếng Anh của mình chưa cao, vì bạn càng sử dụng tiếng Anh thì trình độ tiếng Anh của bạn mới và càng phát triển. Trong quá trình này, bạn có thể sử dụng những công cụ hiệu quả như Google Dịch mà TAMN đã giới thiệu ở đây hay Từ điển Oxford online nếu trình độ của bạn cao hơn. 
     

Trong thế ký 21 này, việc có thể tự phát triển kỹ năng và kiến thức cho mình dựa trên các tài nguyên và công cụ trên Internet là một trong những kỹ năng hàng đầu, nếu không muốn nói là #1.

TAMN hi vọng và chúc bạn thành công trong việc hình thành thói quen và phát triển khả năng này cho mình. 

 

P/S: Nếu bạn thích thú với những trang Web học trực tuyến như Khan Academy, bạn cũng có thể quan tâm đến PBS Learning Media, một Website mà TAMN đã giới thiệu trong một bài chia sẻ trước đây. 

 

 

Bạn có thể bắt đầu ngay bằng cách tạo cho mình một Tài khoản học thử miễn phí:

Tạo tài khoản học thử miễn phí ⯈