Ngày xưa các các đại cao thủ trong thiên hạ chỉ có một cách để luyện những bộ võ công “đỉnh của đỉnh”, nếu luyện sai một bước là sẽ dễ dàng tẩu hỏa nhập ma. Còn thời nay, tuy bộ môn tiếng Anh nó cũng không dễ dàng để luyện thành chánh quả, nhưng may thay có rất nhiều con đường để có thể đạt được trình độ khiến người khác phải khinh hồn khiếp vía.
Dưới đây sẽ là 100 cách mà một giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở nước Úc đã bày cho người học. Không cần phải đi theo trình tự, chúng ta chỉ cần cố gắng tập một trong số các thói quen dưới đây đã có thể làm cho tiếng Anh của bạn tiến bộ nhảy vọt, và đảm bảo một ngày không xa các bạn có thể mạnh dạn nói “tiếng Anh là chuyện nhỏ”.
-
Đừng sợ mắc sai lầm khi học tiếng Anh. Hãy tự tin. Người khác chỉ có thể giúp bạn sửa sai khi người ta nghe bạn phát ra cái thứ tiếng kì dị đó, không mở miệng thì không ai biết đường nào để giúp bạn đâu nhé.
-
Tự tạo ra môi trường tiếng Anh xung quanh mình để não bộ dần quen với tiếng Anh. Và tốt nhất là thông qua việc giao tiếp tiếng Anh hàng ngày với bạn bè người thân. Cách này được khá nhiều các ông bố bà mẹ giúp cho con luyện tiếng Anh đấy. Không tin thì hôm nào giờ tan tầm buổi chiều bạn cứ chạy xe gần những ông bố bà mẹ mới rước con ở khu trung tâm thành phố ấy sẽ thấy những gia đình nhỏ “bắn” tiếng Anh dữ dội luôn :D
-
Luyện tập hàng ngày. Lên kết hoạch học tập cho bản thân. Phải tự đặt ra một lượng thời gian dành cho môn học này và phải tuân theo lịch học đó. Ráng tạo thói quen này nhé các bạn. Nếu bạn đang đi làm, hãy xây dựng phương pháp học tiếng Anh cho người đi làm phù hợp với hoàn cảnh và công việc của bạn.
-
Và nếu được thì cho gia đình và bạn bè của bạn biết về kế hoạch này để có gì họ sẽ đốc thúc bạn học khi bạn lười và cũng để họ không có “làm phiền” quá trình học tập của bạn :))
-
Học đều 4 kỹ năng. Phải nhớ là cái nào cũng quan trọng và cần một lượng luyện tập như nhau nhé.
-
Bạn nên có một quyển sổ ghi chép để ghi và học từ vựng mới mà bạn gặp phải. Sau khi ghi xong thì cố gắng sử dụng nó ít nhất 3 lần khi bạn có cơ hội trò chuyện với người khác.
-
Ít nhất phải làm một bài tập tiếng Anh mỗi ngày.
-
Hãy nhớ rằng nhồi nhét một danh sách các từ chỉ là phương pháp hiệu nghiệm tức thời dành cho bài kiểm tra thôi tại vì sau đó bạn sẽ rất nhanh quên những từ đã học.
-
Hãy lắng nghe nhịp điệu sinh học của cơ thể bạn. Nếu bạn là người dễ hấp thu kiến thức vào buổi sáng thì đừng có sắp xếp lịch học tiếng Anh vào buổi chiều nhé.
-
Bạn sẽ thấy dễ nhớ từ vựng hơn khi bạn cố gắng nhớ ví dụ của nó, hoặc 1 câu có sử dụng từ đó, hơn là nhớ từng chữ đơn lẻ.
-
Tự đặt ra một kế hoạch thi để lấy một chứng chỉ hay bằng cấp gì đó liên quan đến tiếng Anh. Bạn sẽ tự động chăm hơn khi bạn có mục tiêu để hướng tới. Đặt mục tiêu 900 TOEIC chẳng hạn :)
-
Nhưng mà không được dừng lại ở cách thứ 11 nhé. Phải nghĩ sâu xa hơn. Phải nghĩ rằng mình có thể làm gì nếu giỏi tiếng Anh? Và tiếng Anh sẽ giúp chúng ta cải thiện cuộc đời này ra làm sao? Vậy thì động lực càng tăng cao hơn nữa.
-
Đặt mục tiêu dài hạn và tập trung đi đến mục tiêu đó. Ví dụ: trong 2 năm phải đạt được trình độ sử dụng tiếng Anh thành thạo trong cuộc sống hàng ngày.
-
Trong mục tiêu dài hạn phải phân ra những mục tiêu ngắn hơn và phải biết cách “trả công” cho bản thân khi đạt được những mục tiêu nhỏ này như 1 cách khích lệ tinh thần chiến sĩ.
-
Phải tạo ra được môi trường gây cho bạn cảm giác “thèm” học chứ không phải là “phải” học. Dĩ nhiên rồi, khi chúng ta tò mò muốn tìm hiểu điều gì đó thì chúng ta sẽ học tốt hơn là bị ép học để trả nợ quỷ thần ;)
-
Phải hiểu rõ cách làm việc hiệu quả với bản thân. Có thể bạn học tốt hơn khi đọc, nói hay tóm tắt mọi thứ. Cũng xem xem bạn thích hợp học trong nhóm hay học một mình. Tự soi lại quá khứ xem cách nào là tốt nhất và từ đó phát huy lên nhé.
-
Tìm kiếm sự giúp đỡ cũng là cách hay. Nếu không hiểu gì đó phải lập tức kiếm người để hỏi. Khi đả thông kinh mạch được rồi thì việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn.
-
Học xong phải ôn bài nữa nhé. Nếu không ôn thì kiến thức cũng không ở lâu với chúng ta được đâu.
-
Học liên tù tì trong một khoảng thời gian dài (như 30 phút hay 1 giờ) không phải là việc tốt. Phải xen kẽ nghỉ giải lao 1 tí để hít thở không khí và làm cho gân cốt dãn ra để cơ thể có sự dẻo dai và sức bền để học tiếp.
-
Không nên vội vàng muốn nhảy lên trình độ cao hơn. Hãy tập trung làm tốt trình độ hiện tại trước nhé.
-
Nếu học tiếng Anh thì nên dùng đĩa DVD hoặc các video có thể xem lại được chứ đừng xem những chương trình TV, vì nếu xem ở lần đầu chúng ta sẽ rất dễ bỏ sót rất nhiều thông tin.
-
Và TV là dành cho những đối tượng có trình độ cao. Khi đó việc luyện nghe chính xác ở lần đầu là cần thiết, điều này cũng giúp khi chúng ta giao tiếp với người bản xứ vì chúng ta không phải hỏi đi hỏi lại xem người ta nói gì.
-
Hãy đọc những quyển văn tuyển tập phù hợp với trình độ của mình. Và nếu đọc đến được trình độ của 1 quyển tiểu thuyết thì bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời lắm đấy nhé.
-
Sách dành cho thiếu nhi với nhiều từ vựng đơn giản cũng sẽ là nguồn thay thế rất ổn cho những quyển văn chọn lọc trên.
-
Đọc báo chính là cách ghi nhớ công thức câu bị động trong tiếng Anh khá tốt vì đa số những bài báo có rất nhiều cấu trúc câu bị động – cấu trúc này không phổ biến đối với người Việt Nam do tiếng Việt hảo thể chủ động hơn.
-
Khi đọc thì đọc lướt qua để lấy ý chính trước. Đừng quá lo lắng về nghĩa của từng từ, sau khi hiểu được ý của cả câu rồi hãy quay lại tìm nghĩa của những từ bạn chưa hiểu.
-
Nếu gặp 1 từ không hiểu hãy nhìn những từ xung quanh nó vì chúng sẽ là gợi ý tốt nhất để bạn đoán được nghĩa của từ thông qua ngữ cảnh được nhắc đến.
-
Học từ gốc. Những từ gốc này sẽ giúp bạn đoán nghĩa khá chính xác đấy. Ví dụ khi chúng ta thấy scrib, thì khả năng ý nghĩa của từ liên quan đến việc viết là rất cao, hay min sẽ ám chỉ cái gì đó nhỏ.
-
Khi học một từ mới thì cũng phải học những dạng khác của từ. Như khi học beautiful (tính từ) thì phải liên tưởng đến beauty (danh từ) và beautifully (trạng từ).
-
Những tiếp đầu ngữ (dis-, un, re-) hay tiếp vị ngữ (-ly, -ment, -ful) cũng giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa của từ và tạo ra được một lượng từ lớn cho bản thân.
-
Tiếng Anh có phần trọng âm. Chúng ta phải xem từ có bao nhiêu âm và nhấn chỗ nào cho đúng khi học từ mới.
-
Sử dụng tiếng Anh mọi nơi bạn có thể. Đơn giản là vậy đó!
-
Đừng dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh khi nói chuyện. Mà thay vào đó là phải suy nghĩ bằng tiếng Anh luôn để cải thiện sự lưu loát khi nói ngôn ngữ này. Và hãy tập tự nói chuyện với bản thân để cải thiện trước khi nói chuyện với người khác nhé.
-
Sách chỉ là nơi ghi lại kiến thức, đừng nghĩ chỉ cần đọc sách là bạn có thể giỏi tiếng Anh nhé. Hãy nhớ rằng khi bạn học lái xe, nếu bạn không mở máy xe và chạy thì không bao giờ bạn biết lái đâu.
-
Cách tự nhiên nhất để học ngữ pháp chính là thông qua giao tiếp.
-
Viết nhật ký tiếng Anh. Mỗi ngày viết vài câu và dần dần thói quen viết tiếng Anh sẽ ngấm vào sâu trong bạn.
-
Nếu được thì hãy viết blog trên mạng để cả thế giới được thấy những bài viết mà bạn chia sẻ nào.
-
Để thành tay viết cừ khôi, hãy tập động não ra nhiều ý kiến và viết ra giấy nhưng đừng chú trọng quá vấn đề ngữ pháp. Sau đó hãy nghĩ về các cấu trúc câu sẽ dùng. Kết hợp ý nghĩ và cấu trúc lại chúng ta có câu hoàn chỉnh. Việc cuối đó là đọc lại và kiểm tra hoặc nhờ người khác kiểm tra cho bạn.
-
Khi viết phải chú ý dấu câu nhé. Một câu viết chỉ cần dấu câu thay đổi 1 tí là cả ý nghĩa cũng thay đổi đấy. “A woman without her man is nothing” và “A woman: without her, man is nothing” là minh chứng rõ nhất.:D
-
Hãy “hát” lời hát từ con tim của bạn. Cho cả thế giới thấy giọng hát oanh vàng của mình. Hát theo những ca khúc tiếng Anh cũng giúp bạn cải thiên sự lưu loát và giọng điệu đấy. Hãy mở karaoke lên ngay và luôn nhé.
-
Kiếm một người có thể cùng bạn chat tiếng Anh khi không kiếm được ai có thể nói chuyện bằng tiếng Anh với mình.
-
Lắng nghe tiếng Anh và tập lập lại. Chú ý vào ngữ điệu của người nói và bắt chước sao cho đúng nhất có thể nhé.
-
Mở đài hoặc radio tiếng Anh lúc bạn ở nhà. Thậm chí khi bạn không chú ý họ đang nói gì, bạn vẫn đang “luyện tai” đấy nhé.
-
Viết chính tả. Nghe CD hoặc một người nào đó nói tiếng anh và viết lại những gì nghe được.
-
Hình như chả ai thích nghe giọng nói của bản thân cả, nhưng mà hãy dũng cảm lên nhé. Hãy thu âm và sau đó nghe lại âm cũng như ngữ điệu khi nói tiếng anh của mình. Điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra vấn đề của mình để từ đó có phương pháp cải thiện.
-
Nếu đi học với người nước ngoài thì bạn cũng có thể thu âm bài giảng của họ để về nghe (đôi khi phải xin phép trước nhé). Đây là cách vừa giúp chúng ta ôn bài vừa là ví dụ rõ ràng để chúng ta lắng nghe và tập theo tốc độ nói và ngữ điệu của họ.
-
Sử dụng từ điển Anh-Anh vì nó sẽ giúp bạn hiểu và suy nghĩ bằng tiếng Anh chứ không phải dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ.
-
Nếu thấy quyển từ điển Anh-Anh sợ quá thì bạn nên kiếm một quyển ở trình độ dành cho người học tiếng Anh nhưng cũng phải bằng tiếng Anh nhé.
-
Nhưng cũng đừng quá phụ thuộc vào quyển từ điển. Từ điển chỉ là nơi để tham khảo chứ không phải là cách học hiệu quả. Hãy cố gắng đoán nghĩa của từ trước khi đi tra từ điển.
-
Đừng có nản! Phải luôn tích cực. Đôi khi bạn sẽ thấy mình đang học khá chậm. Nhưng yên tâm đi, ai cũng thấy như bạn chứ không phải riêng bạn đâu. Và nếu kiên trì bạn sẽ sớm tới đích thôi.
Phù… mới 50 bí kíp mà đã thấy có một đống điều cần làm rồi đây. Nghỉ giải lao một tí rồi bắt tay vào thực hành những bí kíp này nhé, 50 cái còn lại sẽ được cập nhật sớm cho các bạn thôi. ;)
Bạn có thể bắt đầu ngay bằng cách tạo cho mình một Tài khoản học thử miễn phí:
Tạo tài khoản học thử miễn phí ⯈
Viết câu hỏi, thắc mắc của bạn về bài viết